Ca Sĩ Đon Hồ




Người ca sĩ nổi tiếng và giữ được vị trí của mình trong lòng khán giả suốt hơn hai thập niên, ngồi đối diện tôi còn rất trẻ. Anh nhỏ nhẹ, lịch sự, và giản dị. Cái giản dị không dễ có ở những người nổi tiếng. Trong câu chuyện, thỉnh thoảng anh chen vào những câu khôi hài têu tếu khiến khoảng cách giữa chúng tôi gần lại, thân mật hơn, và chia xẻ hơn những thăng trầm của đời ca sĩ.

Don Ho, người ca sĩ hình như rất quen thuộc với chúng ta. Nhắc đến anh là nhắc đến “Trái Tim Mùa Đông” của Trúc Hồ, “Trái Tim Ngục Tù” của Đức Huy, hay “Phiến Đá Sầu” của Diệu Hương…

Don Ho rời Việt Nam năm 1980 bằng đường biển cùng hai người anh trai. Sau sáu tháng trong trại tạm cư bên Thái, anh được định cư tại Missouri, Hoa Kỳ năm 1981, sau đó dời về California cho đến nay.

Bốn năm học ở high school anh học được nhiều điều về sinh hoạt văn nghệ học đường. Sau khi vào college, Don cùng bạn bè thành lập ban nhạc hát cho các đám cưới, sinh nhật, party… Các ban nhạc thời đó Don cộng tác như the ME (Motion Emotion), the Boléro, the Keys… Tất cả ban nhạc dần rã đám vì một lý do duy nhất, đó là không ai chịu dọn dẹp nhạc cụ. Một lý do trẻ con như thế nhưng cứ được lập lại khiến Don cười ròn rã khi nhắc lại thời “con nít” của mình. Nhưng có lẽ đó là thời gian đẹp nhất của tuổi học trò.
 Don tiếp tục đi ca hát cho các ban nhạc bạn bè và theo học … graphics design! Đây, là ước mơ từ nhỏ của Don. Anh học không phải để kiếm sống, đó là sự đam mê màu sắc và qua cảm hứng, anh đã giới thiệu đến chúng ta những poster hay nhưng bìa CD ca nhạc của chính anh một tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo.

Sự nghiệp ca hát của Don vào cuối thập niên 1980 vẫn chưa khởi sắc. Vũ trường Sàigòn Cabaret, Nuit D’Orient (Đêm Đông Phương), Ritz… như là một chỗ dựa tinh thần. Hát đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu. Trong ánh đèn sân khấu Don tự tìm tòi và khám phá giọng hát và cách trình diễn của mình.

Don kể lúc hát ở club của chị Lệ Uyên được trả mỗi đêm 20 đô mà bia một lon đến 4 đô, không có ngoại lệ cho ca sĩ. Nhiều lúc bạn bè đến nghe ủng hộ, Don mua bia bao sạch, thế là đêm đó coi như hát free, thậm chí anh còn được… bỏ thêm tiền túi! Nhưng vui, thế là đủ! Anh cười hiền như cho đó là một hạnh phúc khi được bạn bè ủng hộ.

Con đường vinh quang của Don không trải bằng hoa hồng. Anh từ giã club của chị Lệ Uyên vì ca sĩ Tuấn Ngọc được mời về. Buồn nhưng Don vẫn tin tưởng một ngày nào đó mình sẽ thành công. Dạo đó, trung tâm băng nhạc chưa nhiều, việc sản xuất băng nhạc cũng không đều đặn, thế là Don đi hát cho đám cưới, hội đoàn, và nuôi hy vọng.

Cái tên Don Hồ đến cũng không phải là do một chọn lựa, Don tên thật là Hồ Mạnh Dũng. Dạo đó Don làm thêm part time cho hệ thống Sizzler, time card ghi rõ Dung Ho, thế mà cô bạn Mỹ làm chung cứ la toang toang “Hey! dung ho! dung ho…!”, làm Don hết sức mắc cở. Thế là tên Don Ho ra đời từ đó.

Đầu thập niên 1990 Don đã có chỗ đứng tương đối vững vàng trong làng ca nhạc. Don xuất hiện lần đầu với Thúy Nga cuốn số 12 Liên Khúc Nhạc Trẻ, sau đó bắt đầu cộng tác với Asia và thâu CD cho các trung trung tâm như Giáng Ngọc, Hải Âu, Nắng Enterprise… lịch trình đi show cũng bắt đầu kín mít.


Theo Don thể loại nhạc thích hợp với mình là nhạc trữ tình. Các bài đã gắn liền với tên tuổi như Trái Tim Mùa Đông của Trúc Hồ, Trái Tim Ngục Tù của Đức Huy, Xa Em Kỷ Niệm, Em Đẹp Như mơ, Triệu Đóa Hồng… nhạc ngoại quốc. Sau này là các nhạc phẩm của Diệu Hương như Vì Đó Là Em, Phiến Đá Sầu. Black Magic Woman là bài được yêu cầu nhiều nhất trong các chương trình nhạc trẻ, new wave. Lợi điểm lớn nhất là Don có thể hát tiếng Anh, Pháp một cách rất rõ ràng. Khi cần Don chuyên chở rất trữ tình lãng mạn trong các ca khúc như Lời Buồn Thánh (Trịnh Công Sơn), Tình Khúc Buồn (Ngô Thụy Miên), Một Ngày Không Có Em (Nguyễn Long) v.v… Khi cần quậy quậy một chút, Don rất nóng bỏng trẻ trung trong các nhạc phẩm new wave hay cuốn hút trong các liên khúc rất thịnh hành của Modern Talking hay huyền hoặc trong các bài của Lobo…

“How Can I Tell Her” là bài hát đã làm tôi chìm đắm khi nghe giọng ca như thỏ thẻ, như ăn năn dĩ vãng, và một phong cách trình diễn lãng mạng rất riêng của Don.

Nếu như những lần Don xuất hiện trên các DVD của các trung tâm với những màu sắc, hình ảnh làm nền phụ họa phần lớn theo sáng kiến của Don, thì trang phục cũng góp phần khá lớn trong cái nét rất riêng, rất Don Hồ. Khán giả chờ đón ở những lần xuất hiện của Don là một cái gì rất mới mẻ, bắt mắt hài hòa mà theo Don, anh phải tự mua sắm trang phục, sau đó thêm thắt cho phù hợp với chủ đề tác phẩm. Phần khác, Don nhờ đến designer trong những lần trình diễn chung với dancers hay theo yêu cầu của producer.

Tôi hỏi các bài hát Don trình bày là do Don chọn lựa hay do trung tâm đưa, cả hai, tùy theo chủ đề của mỗi cuốn tuy nhiên bài do mình chọn vẫn nhiều tự tin hơn. Don kể có những bài do trung tâm đưa đọc xong cũng lạnh lùng lắm vì không biết mình có diễn đạt nổi không nhưng dù sao cũng phải thử thách.

Nơi Don ở là Santa Monica cách Orange County khoảng gần một giờ lái xe. Don chỉ về Little Saigon trong những lần trình diễn hay tập dợt cho các chương trình của các trung tâm hay thăm gia đình. Tôi quan sát Don tìm một chút kẽ hở nào đó để gài vào câu hỏi mà nhiều người thắc mắc nhưng Don tránh rất hay. Tôi lập lờ cho Don biết nếu như ai đó mà có may mắn (hay xui xẻo) mà làm bồ hay vợ của Don thì chắc buồn lắm vì đi đâu Don cũng không cho đi theo, dấu ở nhà một mình vì sợ mất fans. Don cười cười cũng có những cái nên dấu nếu để thiên hạ biết được hết chắc không còn gì hấp dẫn, thích thú nữa. Tôi trêu Don biết đâu một ngày đẹp trời nào đó có tin Don đã có gia đình 3, 4 con rồi thì sao, Don cười thật to ừ nhỉ! Biết đâu! Nhưng dù sao nếu Don đã có người yêu, tôi cũng phải khâm phục cho sự hy sinh vì sự nghiệp của người mình yêu. Tôi thì không, yêu thì không dấu … người mình yêu dấu!

Don đã ở đỉnh cao của vị trí một trong những ca sĩ hàng đầu. Đắt show, đắt giá trong hơn một thập niên. Cái tôi thấy từ Don là sự khiêm tốn, nhã nhặn, đúng hẹn. Cái tôi quý từ Don là sự tôn trọng khi nhắc về các đồng nghiệp, bạn bè. Cái tôi học từ Don là lòng không đố kỵ hay ganh ghét. Tôi phải học từ Don đến một ngàn thứ, chỉ trong một buổi trò chuyện.

Tôi ly cafe, và Don chai nước lọc. Chúng tôi kéo dài cuộc “thủy đàm” đến hơn bốn tiếng. Sau bữa ăn trưa thật trễ, Don phải về tập dượt cho show diễn của trung tâm Thúy Nga vào cuối tháng Chín ở Las Vegas.


Những kỷ niệm xưaCó nhiều người đã hỏi tôi duyên cớ nào dẫn dắt khiến tôi bắt đầu nghiệp ca sĩ? Tôi hay nói cho qua chuyện nhờ này… nhờ nọ…. Nhưng giờ ngồi suy nghĩ lại, thật tình tôi cũng … không biết đích xác duyên cớ nào!

Nhớ thuở còn tí teo xa xưa ấy, khi còn ở Việt Nam, nhiều buổi trưa nóng bức, mẹ cấm ra đường nghịch nắng tôi hay nằm ngửa trên cầu thang ngó lên bầu trời đầy mây bay, mơ màng tưởng tượng một ngày nào đó tôi sẽ làm ca sĩ lớn đứng hát trên một sân khấu mênh mông, sáng rực ánh đèn. Nhưng con nít mà, đứa nào sau khi coi chương trình âm nhạc nào đó trên TV xong mà chẳng bị ánh đèn chớp chớp mê hoặc, mà chẳng mơ màng? Tôi cũng đã mơ làm siêu nhân, làm Batman mà có được đâu!

Lớn hơn một xịu, bố cho tôi tiền đi học đàn Tây ban cầm (guitar) nhà thầy Căn, bạn của bố. Tôi & đứa bạn thân tên Hoàng Sĩ Tuấn cùng đi học. Bạn tôi có khiếu, tiến bộ vù vù. Còn tôi ham chơi và lười nên mỗi lần tới lớp cũng với những bước chân nặng trịch vì không tập dợt. Lúc thầy bắt đánh trả bài là tay chân tôi lạnh ngắt, mắt hoa lên muốn xỉu. Mà không hiểu vô tình hay cô ý, cứ đến những phút luống cuống ấy là cô con gái trạc tuổi, xinh xắn của thầy lại lững thững trên lầu đi xuống, xách giỏ đi chợ, đi ngang qua tôi cười cười. Không biết cô ấy cười cái gì nhưng tôi cứ nghĩ là cô ấy cười tôi đánh dở, càng luống cuống thêm, mặt đỏ bừng, nóng hổi! Và chắc thầy Căn cũng thấy thế & cũng ngán ngẩm đứa học trò lười biếng con của bạn mình, nên cứ để tôi ngồi một mình lửng tửng khẩy đàn suốt buổi và chăm chút hơn vào tên bạn. Được thầy không thèm màng tới, tôi mừng lắm, ngồi giả bộ tập tành mà đầu óc cứ thả lơi theo dòng xe cộ ngược xuôi bên ngoài.
Và dĩ nhiên là sự nghiệp đàn địch của tôi sớm tan theo ngày nắng vội. Cái ngày mà bố tôi cho phép không phải vác đàn tới nhà thầy nữa, lòng tôi nhẹ tênh, vô cùng sung sướng. Cây đàn guitar bố mới mua cho đó được xếp ngay vào góc nhà tha hồ bụi bám đầy. Ấy cái mớ kiến thức âm nhạc đầu tiên của tôi nó đã bắt đầu như thế đó.

Vài tuần sau tôi lại chuyển qua mê đàn vỹ cầm (violin), mê tận tình cũng như vài tháng trước tôi đã mê cây guitar. Chỉ vì cây đàn này ngó… Tây hơn mà lại còn bé bé, xinh xinh và cũng vì tôi có cô bạn có cô em gái tóc dài rất ư dễ thương cũng đang học violin. Chắc bố mẹ tôi khi đó cũng đã biết tính ý thích nhất thời của đứa con yêu quý, chẳng làm gì cho được tới nơi tới chốn, nên khi tôi ướm lời, bố mẹ tôi đã lờ đi tới độ không thể nào lờ hơn. Sau này khi nghĩ lại, tôi cũng hơi trách bố mẹ đã thờ ơ, vì biết đâu tôi đã có thể trở thành một nhân tài vỹ cầm thế giới cỡ Chopin thì sao?!

Ấy với âm nhạc là thế nhưng tôi lại thực sự có năng khiếu về hội họa và màu sắc. Tôi vẽ giỏi. Có một lần khi niên khóa học mới vào, giờ học vẽ, chúng tôi nộp bài tập. Không nhớ vì đã bận gì đó mà tôi nhờ tên bạn ngồi cạnh bàn biên tên tôi lên bức vẽ dùm. Tên bạn nguệch ngoạc. Thầy dậy vẽ khi đi qua, đã cầm bức vẽ lên ngắm nghía rồi mắng tôi như tát nước, thầy nghĩ tôi đã nhờ ai đó vẽ hộ, vì tấm vẽ đẹp như thế mà nét chữ biên tên lại quá xấu. Theo thầy, vẽ đẹp thì phải đi theo – viết chữ đẹp. Tôi oan ơi ông địa nhưng đứng cứng ngắc không dám cãi vì sợ thầy, tuy trong bụng rất ấm ức. Mà của đáng tội, cái thằng bạn “hại bạn” biên chữ xấu ình của tôi đó, nó lại còn vẽ đẹp hơn tôi cả chục lần!!!

Bố tôi thì thấy được năng khiếu này. Khi đấy là năm 1977, sau bao chuyến vượt biên thất bại gia đình chúng tôi đã ngoắc ngoải lắm rồi, một tuần đã phải ăn cơm độn bắp, bo bo hay khoai mì vài lần. Bố đã tránh mẹ, lén dúi tiền cho tôi đi học vẽ tư. (Không phải là mẹ tôi khó, nhưng gia đình đã bắt đầu túng bấn, đi học vẽ là một đều xa xỉ không đúng chỗ trong lúc này!) Lớp hội họa thì ngược lại với lớp đàn, tôi say mê lắm. Những bài tập vẽ mắt, miệng, mũi, tai, v.v… thầy đưa ra lúc nào tôi cũng hăng say tập ngay. Tôi vẽ đêm vẽ ngày. Vẽ viết chì lên giấy, vẽ bằng phấn trắng lên sân gạch, lên gỗ hàng rào, cứ chỗ nào vẽ được là tôi vẽ ngay, không cần suy nghĩ. Cái vốn liếng hội họa ấy nó đã giúp tôi nhiều vô cùng sau này. Tôi đã áp dụng đường vẽ, cách pha màu vào lối hát. Cây cọ, cây viết chì của tôi bây giờ là giọng hát. Tôi đã hòa gam màu nóng, lạnh vào trong câu hát… Và những bài hát với tôi được vẽ lên như những bức tranh linh họat, đầy màu sắc…

Và rồi tôi cũng được học cao hơn lên. Những hôm ôm màu, cọ & giá vẽ theo những anh chị lớn ra ngồi ngoài công viên vẽ … hoa lá cành, tôi thấy mình oai vô cùng. Người đi đường tò mò dòm dòm, tôi nghĩ chắc họ phải khâm phục tôi ghê lắm, thế là thằng em mặt hất lên tận trời. Sướng quá, sướng quá, lớn lên tôi phải làm họa sĩ lớn mới được.

Thế rồi … vượt biên. Giã từ vòng tay bảo bọc yêu thương của bố mẹ. Ba anh em chới với, chơi vơi trên vùng đất tạm dung. Ở St. Louis – thành phố đầu tiên chứa chấp chúng tôi khi mới đến Mỹ – được 2 tháng rưỡi, anh kế tôi, anh Lân, được bạn bè í ới gọi về California. Không biết ở đó có gì hay ho hơn không, nhưng nghe “Đi Cali” tôi mê tít. Anh cả: anh Thắng, quyết định ở lại. Tôi theo anh Lân. Cuộc hành trình 3 ngày 2 đêm cứ như trong xi-nê. Tôi đang đi xuyên nửa nước Hoa Kỳ nhá. Cũng không nhớ tiền đâu chúng tôi chung tiền xăng, tiền ăn uống vì chúng tôi đi ké xe anh bạn.

Thời gian đầu của tôi ở Cali thật long đong lắm, chuyển nhà mười mấy lần, đổi trường 4 lần. Tại ít tiền mà. Ở chung bạn bè được vài tháng, xích mích, hục hặc cãi nhau – Đi! Share phòng, chủ nhà thích người khác hơn, đuổi – Đi! Nhà ở đông quá, tiền nước tắm hàng tháng quá cao, chủ đuổi – Đi! Một đám mướn nhà chung, có người không trả tiền nhà, gồng tiền không nổi, trả nhà – Đi! Nhà chủ quá sạch sẽ, không cho người thuê phòng xài bếp nấu ăn. Đói – Đi! Và rất nhiều lý do khác nữa để “Đi”! Cũng may đồ đạc chúng tôi không nhiều, mỗi lần ra đi chỉ gọn gàng vài túi xách tay, dăm ba cái chảo, nồi.


Mà chuyển nhà thì phải chuyển luôn trường học. Trường cũ xa quá làm sao đi học hàng ngày! May một cái là mới qua, tiếng Anh tiếng U, ù ù cạc cạc, ngọng líu cả lưỡi mà tôi cũng tự mình cầm hồ sơ giấy tờ lo liệu lấy được. Tôi chuyển xoành xoạch từ trường Katella ở Anaheim, qua trường Los Amigos ở Santa Ana. Từ trường Rancho Santiago ở Westminster trở lại trường Santa Ana Valley High. Bạn bè hôm trước mới quen được vài người hôm sau đã phải bịn rịn, quyến luyến chia tay. Anh tôi sáng đi học đại học, chiều tối cũng đổi việc làm tới tấp từ nhà hàng này qua … nhà hàng nọ, đến phát báo, dọn dẹp văn phòng, cầu tiêu, v.v… Mà muốn làm việc là phải có xe để di chuyển. Tậu được cái xe Pinto màu đỏ cũ xì là một cuộc “cách mạng” vô cùng vĩ đại với 2 anh em. Ai chê nó cổ, nó cũ, nó xấu, chứ tôi thấy nó đẹp tuyệt vời. Ngồi trong ghế nhìn ra tôi cảm tưởng như đang ngồi trong cái tầu ngầm nguyên tử tối tân, nút bấm một dàn, kim quay, đèn chớp một dàn, thật … hiện đại. Nhớ mãi cái lúc đầu tiên được anh chở đi một vòng phố xá trong xe mới sắm, ôi hạnh phúc… mà anh tôi chắc cũng vui không kém!

Valley High là trường tôi được trụ lâu nhất, 3 năm trung học. Ngôi trường với sĩ số học sinh Mỹ đen đông nhất, rồi tới Mễ, rồi tới Á Châu. Mỹ trắng chắc không được đến 10% tỉ lệ học sinh toàn trường. Mà nào có sao. Tôi vui vẻ tới trường, miễn đừng phải chuyển nữa là ok. Cũng tại đây khả năng vẽ đã mang đến nhiều niềm vui. Tôi bắt đầu thắng những cuộc thi vẽ, ban đầu cấp trường, rồi cấp thành phố, cấp quận, cấp tiểu bang. Tên tôi lâu lâu được đọc trong phần loan báo đầu ngày của trường. Oai lắm chứ không phải chơi đâu nha. Rồi tôi được làm Student of The Month (Học Sinh Giỏi trong Tháng) vì thắng giải. Tên tôi được gắn trên bảng trước trường 2 tuần lễ, hãnh diện dân tộc nhá, tôi đã sung sướng tự nhủ. Thế thì tương lai tôi chắc chắn phải làm họa sĩ rồi.

Năm lớp 10, không nhớ vì sao, tôi mạnh dạn xin gia nhập vào lớp hát trong trường. Cũng không hiểu vì sao tôi được vô thẳng lớp Chamber Singers – lớp cao cấp, thay vì lớp Choir là lớp bắt đầu? Chẳng phải tôi hát hay, tôi hát giỏi, vì có ai kiểm tra đâu mà biết. Mà nếu đã có kiểm tra trình độ hát, chắc là lớp thấp nhất tôi cũng chẳng được cho vào. Tôi nghĩ chắc là tại tôi không rõ, thay vì ghi danh vào lớp thấp nhất thì lại biên lộn đến lớp cao. Lớp hát này của tôi có khoảng hai mươi mấy người, đặc biệt môn này không thấy người Mỹ đen, mà chỉ toàn Mỹ trắng, và một ít người Mễ văn minh (chứ không phải Mễ mới qua từ Tijuana). Mấy nhỏ học sinh Mỹ trắng, tóc vàng, người cao, đẹp như thiên thần trong hang đá đêm Giáng Sinh. Tôi được phân vào nhóm Baritone vì giọng tôi không thấp, không cao. Nhóm chỉ có 2 người: tôi & 1 tên người Lào. Tên bạn Lào này bình thường mà ngó như bị bịnh down syndrome, ngáo hơn tôi nhiều. Nói chuyện thì cà lăm, tiếng Anh nói không ai hiểu, thế mà không biết sao hát được!? Mà cũng chả biết có hát được hay không nữa vì cả niên khóa chỉ toàn nghe hắn lí nhí trong miệng . Tôi tiếng Anh mới 2 năm học ESL (English as Second Language) cũng không khá, thế mà dám cả gan! Bè baritone là giọng giữa nên lúc nào bè cũng ngang phè phè, ngang tới mức không thể nào ngang hơn. Nhưng cái may của tôi là thế. Chuyên chở những bè ngang như cua nên sau một thời gian khả năng bắt bè của tôi trở nên rất nhậy. Quăng cho tôi một câu hát chính là tôi có thể lập tức hát trả lại câu bè. May mắn chưa, tôi chuyên hát “nhạc trẻ” mà không biết bè thì chỉ có “tan nát đời cô Lựu”!



DON HỒ

0 Bình Luận:

Đăng nhận xét