Ca si Ái Vân


Sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật. Mẹ là nghệ sĩ nhân dân Ái Liên, ba là ông Hà Quang Định, chủ hãng phim Việt Film, hãng phim tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, chị em Ái Vân – Ái Xuân có gien nghệ thuật vượt trội hơn cả. Cho dù đều nói giọng Hà Nội chuẩn, nhưng khi chạm chân vào nghệ thuật, cả hai chị em đều mê cải lương đặc sệt Nam bộ.
Chị bảo: “Sở dĩ tôi hát cải lương được là do ngày nhỏ theo má tới đoàn hát, nhìn các cô chú tập các tuồng tích trích đoạn thì ham lắm. Diễn viên cải lương được mặc quần áo đẹp lộng lẫy, óng ánh như công chúa, đứa trẻ nào mà chẳng mơ ước được chạm tới một lần…”.Một hôm, mà Ái Liên kêu hai chị em lại nói: “Xuân hát cải lương thì mùi, còn Vân hát thì cứng, chẳng khác nào Tây hát tiếng Việt cả”. Lời nhận xét thẳng thắn của má giống như gáo nước lạnh tạt vào niềm vui đầy lửa hồng của Ái Vân. Thấy Vân buồn, gia đình bèn cho cô đi học tân nhạc.

17 tuổi, Vân thi vào Nhạc viện và chị đã trượt. Tuy con nhà nòi thật, nhưng từ nhỏ chỉ hát cải lương, Vân trượt không ai ngạc nhiên. Thầy Lô Thanh, giảng viên của nhạc viện, đã phải đứng ra bảo lãnh để đưa Vân vào nhập học. Một cuộc sống âm nhạc chuyên nghiệp mở ra trước mắt chị.
Vào nhạc viện Hà Nội chỉ vài tháng, Ái Vân gặp một sự kiện khác. Đoàn làm phim Chị Nhung của Hãng phim truyện Việt Nam đến trường tuyển diễn viên đóng vai chính trong phim. Với sắc vóc khá lý tưởng, Ái Vân đã được chọn. Việc học tập của cô bị gián đoạn vì đi đóng phim.
 Tới hè năm thứ nhất của năm học đó, bộ phim đã quay xong, nhưng việc học thanh nhạc của Ái Vân thì rất kém. “Cô giáo Mỹ Bình, một giảng viên trong trường, nói rằng giờ em đã 17 tuổi rồi, phải học với một phương pháp khác thì mới có hy vọng theo học tiếp được chương trình. Bằng không em phải chấm dứt việc học ở đây. Lời cô giáo nói khiến tôi giật mình. Tôi biết mình phải thay đổi”, Vân kể.
 Với sự quyết tâm và trợ giúp luyện thanh của cô Mỹ Bình, chị tiến bộ dần. Đến hết năm thứ thư, Vân đã tốt nghiệp hạng ưu và được lên thẳng đại học, không qua lớp dự bị. Sau đó, chị được đoàn ca múa nhạc Bông Sen mời về hợp tác. Thế nhưng, chị làm việc tại nơi này tám tháng thì phải quay về Hà Nội để tiếp tục việc học. Chị cho biết: “Tuy chỉ làm việc với đoàn tám tháng, nhưng tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều”.Năm 1981 là mốc bản lề, thay đổi cuộc đời Ái Vân. Cô được Bộ văn hoá chọn đi dự thi Ca nhạc nhẹ quốc tế, tổ chức tại Dresden, Cộng hoà dân chủ Đức (cũ). “Tôi đi thi mang theo kỳ vọng và hoài bão của nhiều người. Vì thế, tôi vừa run vừa tự dặn mình phải cố gắng hết sức”, chị nhớ lại.

Vân chuẩn bị đi thi trong vòng một tháng. Ái Vân mang đến cuộc thi này hai bài hát: Bài ca xây dựng, một sáng tác của Hoàng Vân và Mặt trời chưa bao giờ mọc như vậy, nhạc của Đức. Chiếc áo dài Việt Nam màu đỏ nổi bật, lạ lẫm trên sân khấu cùng với phong cách trình diễn rất Á Đông và sâu lắng của chị đã khiến tiếng vỗ tay dành cho tiết mục dự thi của thí sinh Việt Nam dài hơn.

“Em đoạt giải thưởng Grand Prix rồi. Và đoạt thêm giải thưởng khán giả yêu thích nhất nữa!”, một cán bộ ngoại giao của Việt Nam tại Đức đã không giấu nổi niềm tự hào tới thông báo cho Ái Vân như thế.

Đi tàu từ Dresden về tới sân ga Berlin, đại sứ Việt Nam tại Đức, ông Phan Văn Kim đã ra đón cô ca sĩ vừa bước lên bục vinh quang: “Cám ơn cháu, cháu đã làm được một việc hiệu quả hơn cả 30 năm ngoại giao của chú”, ông Kim xúc động nói.

Sau giải thưởng lớn tại Đức này, ca sĩ Ái Vân bước lên đỉnh cao của nghệ thuật. Các hãng băng đĩa, các chương trình biểu diễn của cả Đông Đức và Tây Đức đều muốn chị biểu diễn
Biểu tượng của vẻ đẹp thời bao cấp
Nhớ lại Hà Nội những năm đầu thập niên 70. Ai cũng nghèo, ai cũng khốn khó. Mọi người phải gồng mình lên như khối sắt thép để xây dựng đất nước và đối chọi với chiến tranh… Nhưng tận sâu bên trong cơ thể bê tông, là trái tim ấm nóng. Những người phụ nữ gài trong túi áo, trong ví mình hình ảnh chàng chiến sĩ tình báo Deyanov đẹp trai, tài ba và mưu trí, dũng cảm trong bộ phim truyền hình dài tập Trên từng cây số của Bungari. Những người đàn ông lại gài trong mình tấm ảnh một cô gái Việt Nam, trong sáng và thánh thiện vô ngần: hình ảnh Ái Vân trong vai chị Nhung của bộ phim cùng tên.

Chị, như một nhà thơ từng nhận xét: mang một vẻ đẹp rất lạ. Lạ ở chỗ đoan trang, mà lại rất “mời mọc”. Ái Vân trỏ thành thần tượng vì ở chị có nét mơ mộng, trẻ trung nhưng lại rất khó tới gần. Hơn nữa, chị thuộc tuyp người đàn bà khiến cho đàn ông trở nên đàn ông hơn, tử tế hơn, hảo hán hơn. Ai cũng muốn che chở, ai cũng muốn tha thứ, dù chẳng vì dụng ý nào cả. Ái Vân, có lẽ, chưa chắc đã mưu cầu điều ấy.

Nhiều nghệ sĩ khác cũng nổi lên trong những năm bao cấp, nhưng chỉ Ái Vân mới giữ được hình ảnh. Chỉ đơn giản: khi đi qua đỉnh cao, họ trở về đúng con người xù xì của họ, chứ không phải hình ảnh óng ánh mà họ tạo ra trước công chúng. Những lứa diễn viên và ca sĩ cùng thời Ái Vân như Lệ Quyên, Tố Uyên, Như Quỳnh đến những lứa diễn viên sau này như Hoàng Cúc, Phương Thanh, Minh Châu, Kim Khanh, Diễm My, Diễm Hương, Việt Trinh chỉ 5, 10 năm sau đã khác. Với Ái Vân, dường như thời gian dừng lại trên khuôn mặt của chị, dù đã ngoài ngũ tuần.
Ái Vân sở dĩ cho đến ngày nay vẫn khiến nhiều người lưu luyến, xao động vì chị khiến cho mọi người trở về với tuổi trẻ, tuổi thơ của họ. Bởi thế, sau này với những khúc ngoặt của cuộc đời với những sai lầm, nhưng mọi người đã tha thứ cho chị tất cả. Chị làm cho người ta tin vào hình tượng của chị, những gì chị nói, chị làm. Chị giữ cho mọi người và cho mình một hình ảnh lung linh, vừa hiện thực nhưng lại rất xa xôi. Đó là sự cứu rỗi cho công chúng, và cho cả Ái Vân.

Hai cuộc hôn nhân không trọn vẹn
Người chồng đầu tiên của chị là nghệ sĩ kịch câm Đặng Dũng. Đặng Dũng khi ấy đẹp trai, hào hoa lãng tử, biết bao thiếu nữ xinh đẹp mê. Cặp đôi Đặng Dũng- Ái Vân được coi là cặp đôi đẹp nhất Hà Nội lúc bấy giờ.
Năm 1983, khi sự nghiệp thăng hoa cũng là lúc chị phải khóc nhiều nhất. Khóc để tiễn đưa cuộc hôn nhân đầu tiên với bao mộng đẹp

Hai người với bản tính lãng đãng, ham vui như nhau nên rất hòa hợp. Thế nhưng mầm mống của tai họa có từ trước khi Đặng Dũng lấy Ái Vân. Khi đó anh đã vay nợ khắp Hà Nội. Khi biết chuyện, Ái Vân rất muốn giải tán nhưng rồi lại tặc lưỡi, chiều theo số phận. Từ đó dẫn tới bi kịch, những chuỗi dài  trả nợ suốt cho chồng. Tuy hai người tính cách lãng mạn, ham vui rất hòa hợp, nhưng đối với Ái Vân, Đặng Dũng là một người đàn ông đầy những bí mật. Nhiều tới mức cho đến bây giờ, hơn hai chục năm sau vẫn có nhiều chuyện chưa giải thích được.

“Thế nhưng đột nhiên, tôi đang trên mây thì bỗng dưng bị rớt xuống tận đáy địa ngục. Vào một ngày sau khi lưu diễn xa về, tôi biết được chồng mình nợ nần khắp nơi. Số tiền đó thật khó tưởng tượng”, giờ kể lại, giọng chị vẫn buồn và thảng thốt.

Nhấp một ngụm nước, chị kể tiếp: “Cứ đến bữa cơm, tôi lại run lên khi nghe tiếng chuông cửa. Người ta thường tới đòi nợ vào đúng bữa cơm vì đó là khoảng thời gian gia chủ có mặt ở nhà. Vợ chồng tôi phải chạy lo khắp nơi để trả nợ. Hỏi anh vì sao vay nợ, anh chỉ im lặng và xin lỗi. Lúc đó, có không ít người nghi ngờ tôi mang tiền ra nước ngoài vì chỉ có tôi là di chuyển thường xuyên. Sự nghi kỵ không được chính thức, nhưng tiếng đồn của nó có thể giết chết một con người. Không chỉ thế, nhiều đồng nghiệp, bạn bè cũng xa lánh tôi vì sợ bị liên luỵ…”.
Từ chuyện của Đăng Dũng khiến cho Ái Vân bị vạ lây, chị mất các hợp đồng biểu diễn, bạn bè xa lánh, gia đình quở trách. Bỗng dưng, Trần Bình xuất hiện. Với vẻ đẹp trai rắn rỏi, đàn ông và sẵn sàng tha thứ cho người đẹp, Trần Bình trở thành người hùng đối với Ái Vân. Anh đưa đón chị hàng ngày đến những nới biểu diễn. Một lần nữa, bản năng muốn được vỗ về thôi thúc chị, mặc cho sự khuyên can của gia đình (trước đó Trần Bình đã có một đời vợ), Ái Vân vẫn quyết định lấy anh. Trần Bình (đạo diễn, NSƯT, Giám đốc Nhà hát Ca nhạc nhẹ Trung ương) , sống cùng gia đình Ái Vân tại 38 phố Huế.

Thế nhưng, cuộc hôn nhân thứ hai cũng không cho chị toại nguyện với ước mơ bình yên đó. Chị tâm sự: “Sau khi kết hôn, không hiểu sao anh tỏ ra ghen tuông ghê gớm. Tôi là một ca sĩ, phải đi lưu diễn thường xuyên. Anh ấy cũng hiểu được điều đó. Thế nhưng, bệnh ghen tuông đã biến anh ấy thành một người khác”. Khi Ái Vân sinh ra một bé trai, chị quyết định sẽ chia tay với chồng nhưng vẫn chưa tìm được lý do.
tìm thấy chốn yên bình
Được cử đi học tại Đông Đức năm 1990, chị đồng ý như một cách để nói lời chia tay người chồng thứ hai của mình.

Sau khi sang đó, chị đã quyết định ở lại, bắt đầu một cuộc sống mới. Trong những tháng ngày này, chị đã gặp được người chồng hiện tại. Anh là một nhà khoa học, tính cách rất điềm đạm và hiền lành. Anh đã đồng cảm và chia sẻ với chị về những lận đận trong quá khứ của một phụ nữ tài hoa. Họ có với nhau một cô con gái. Hai năm sau, từ Đức, vợ chồng Ái Vân chuyển về California, Mỹ, để sinh sống.
Chồng chị cũng khuyến khích vợ hát vì anh biết lòng đam mê nghệ thuật của người bạn đời. Những thông cảm của anh sau bão, có những vết thương đã lành, những sự hờn giận không còn nữa.

Một nhà văn trẻ Việt Nam nói rằng nước mắt bản thân nó đã đẹp. Khi hiểu và chia sẻ với Ái Vân, tôi cho rằng câu thơ Plus belle que les larmes (Đẹp hơn cả nước mắt) rất xứng với những thăng trầm trong cuộc đời nữ nghệ sĩ này.

Tham Khảo :

 
Phụ nữ , xaluan.com , Tiếp thị và Gia đình  , suctrevietnam.com , nhaccuatui , giadinh.net , webtretho.com  , film4asia.com ,






0 Bình Luận:

Đăng nhận xét