Ca Sĩ Phương Dung




Nếu kể đến những giọng ca được coi là huyền thoại đã đi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam thì chắc chắn Phương Dung không thể nằm ngoài danh sách này. Chất giọng cao và lảnh lót của chị đã chính thức đến với người nghe từ cuối thập niên 50, khi còn là một thiếu nhi 13, 14 tuổi. Giọng ca đó càng ngày càng gây nhiều chú ý trong bối cảnh của cuộc chiến tranh với những nhạc phẩm mang nội dung thật gần gũi với tình yêu trong thời chinh chiến hoặc với những nét đẹp của quê hương. Những yếu tố đó đã mang đến cho Phương Dung một sự thành công thật lớn để chị có thể hãnh diện về sự đóng góp của mình cho nền tân nhạc Việt Nam. Sau khi xuất hiện không bao lâu, Phương Dung đã được báo chí và những người ái mộ tặng cho danh hiệu "Con Nhạn Trắng Gò Công", bắt nguồn từ thành phố nơi chị sinh trưởng ở vùng Tiền Giang vào năm 1945…
Phương Dung tên thật là Phan Phương Dung, sinh năm 1946 tại Gò Công, Tiền Giang

Gia đình Phương Dung là một gia đình khá giả ở Gò Công, có vườn tược, hoa mầu cùng cửa hàng buôn bán như chị cho biết. Song thân chị có tất cả 4 người con. Ngoài Phương Dung, là một người con gái lớn và 2 người con trai. Cả hai người sau đều gia nhập binh chủng Nhảy Dù, trong số có một người tử trận tại Cổ Thành Quảng Trị vào mùa hè năm 72. Trưởng thành trong một hoàn cảnh thoải mái về vật chất, người con thứ hai trong gia đình với một người mẹ là em vợ nhà văn nổi tiếng Hồ Biểu Chánh, rất yêu thích văn chương.

Thân phụ Phương Dung là người xuất gia một thời gian từ khi còn trẻ. Tuy nhiên sự xuất gia này được chị giải thích là chỉ gieo duyên chứ không đi hẳn vào vào con đường tu hành . Điều này có nghĩa sau thời gian gieo duyên vài năm, ông trở về coi sóc vườn tược của gia đình. Riêng về việc Phương Dung muốn ca hát, ông tỏ ra rất ủng hộ chị trên con đường nghệ thuật. "Ông nói rằng đi hát là một cái nghề rất là lương thiện mà tự vì người dân của mình họ bảo thủ và có một cái nhìn sai lạc về những người làm nghệ thuật nói chung. Nhưng mà con đi hát thì phải biết mình là người yêu nghệ thuật mà đi hát chứ không phải sống một cuộc sống bừa bãi . Tự vì người nghệ sĩ mà không làm nghệ thuật giỏi và hay thì người ta đâu có thích. Và nếu nói theo Phật pháp người mà được người ta thương mến nhiều là người có tu nhiều kiếp lắm", đó là nguyên văn lời Phương Dung kể về ông bố của mình đối với nghiệp cầm ca.


Khi còn theo học ở trường tiểu học nữ Gò Công, cô bé Phan Phương Dung nhiều tình cảm đã tỏ ra rất yêu thích ca hát và luôn có mặt trong các chương trình văn nghệ do trường tổ chức… Sau khi học hết bậc tiểu học, gia đình cho Phương Dung lên Sài Gòn thi vào lớp Đệ Thất trường trung học Gia Long niên khóa 1958 – 1959. Sau khi thi, dù lúc đó không nuôi mộng trở thành ca sĩ để sống mà chỉ thích được ca, được hát cho hay như chị nói. Nhưng Phương Dung cũng đã tự mình mò mẫm hỏi thăm đường đến tận đài phát thanh Sài Gòn sau khi biết được nơi đây sắp tổ chức một cuộc tuyển lựa ca sĩ. Sau này Phương Dung cũng không biết tại sao mình đã bạo dạn như vậy. Chắc chắn không có lý do nào khác hơn là niềm say mê ca hát. Thời gian này tân nhạc Việt Nam đã có nhiều ca sĩ nổi tiếng, đang cộng tác với đài phát thanh Sài Gòn như Thu Hương, Tâm Vấn, Thái Thanh, Thanh Thúy, Lệ Thanh, Bạch Yến, Bích Chiêu, vv…Đó là những khuôn mặt chị nhìn thấy vào đài phát thanh một cách dễ dàng lúc đứng ngòai cổng nhìn vào. Trong khi "tôi đứng ở ngoài thì ông gác-dan ra hỏi: này cô bé làm gì mà cứ thập thò ngoaì này hoài vậy." "Thưa con muốn vào để lấy đơn dự thi ca sĩ". Ông biểu ngừng xe đạp đây vào trong phòng đó, để cái thẻ học sinh ở đây vào queo tay trái có ông nhạc sĩ nào đeo kính cận già già thì hỏi xin giấy tờ làm thủ tục dự thi ca sĩ"

Cô bé tỉnh Gò Công mặc dù rất bỡ ngỡ, nhưng cũng theo lời chỉ dẫn của người gác dan vào gặp nhạc sĩ Võ Đức Tuyết. Khi Phương Dung cho biết ý định muốn dự thi hát của mình, chị đã được vị nhạc sư tên tuổi này đề nghị hát thử nhạc phẩm "Em Bé Quê" là bài Phương Dung sẽ dự thi. Nhờ đã quen đứng trước khán giả qua những buổi văn nghệ tại trường, Phương Dung đã không ngại ngùng gì đứng hát ngay giữa phòng, trước bao nhiêu người là những giọng ca nổi tiếng…

Nhưng may mắn chỉ đến với Phương Dung ở vòng sơ khảo và bán kết của cuộc tuyển lựa ca sĩ vào năm 58 của Đài Phát Thanh Sài Gòn. Vì "vào chung kết thì Phương Dung rớt. Tại vì lúc mà cuối cùng họ đưa một cái bài bắt mình vừa phải vừa xướng thanh, vừa hát luôn, tất nhiên là mình phải biết rành về solfège mới làm được. Mấy người kia vì họ có đem theo đờn. Họ đờn, họ dượt nên họ hát hay. Còn mình hát thì có lỗi trong lúc mình xướng âm. Thành ra mình rớt.. Mình chỉ được đứng hạng 4". Hai trong ba người được chấm đậu mà Phương Dung còn nhới là Nhật Thiên Lan và Thanh Sơn. Người sau trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng sau đó và là tác giả của ca khúc từng một thời hầu như ai cũng biết tới là "Nỗi Buồn Hoa Phương"…


Tuy buồn vì không được lọt vào trong ba giải đầu, nhưng Phương Dung lại may mắn được giới thiệu với một nhạc sĩ nổi tiếng vào thời đó là Khánh Băng trong thời gian ông phụ trách chương trình văn nghệ cho giải trí trường Thị Nghè, là nơi xuất thân của không ít nghệ sĩ nổi tiếng. Vì số tuổi còn nhỏ nên chỉ quen mặc đầm, Phương Dung tỏ ra hơi ngượng ngập trong chiếc áo dài đầu đời khi xuất hiện lần đầu tên trên sân khấu giải trí trường Thị Nghè. Nhưng do mê hát nên cuối cùng cũng đã vượt qua được những ngượng ngùng, e thẹn lúc ban đầu để dần dần gây được chú ý bằng tiếng hát của mình. Chỉ trong vài năm đầu tiên đi hát, Phương Dung đã mau chóng gặp những cơ hội tiến thân tại những địa điểm trình diễn mà trước đó nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã đi qua. Chẳng hạn như phòng trà Tứ Hải của ông Trần Cao Tăng, một thời là giám đốc đài phát thanh Pháp Á, là nơi Phương Dung hát "lót đường" vào năm 59 cho những giọng ca đã có tên tuổi mà Thanh Thuý là một trong số này. Năm sau, 1960, chị về hát ở phòng trà Anh Vũ là nơi trình diễn của rất nhiều nghệ sĩ như: Thanh Thuý, Khánh Ly, Trúc Mai, Bạch Yến, Bích Chiêu, Trần Văn Trạch, ban Tam Vân, Phương Lan, Quốc Thắng, v v…

Vào thời gian này, vì đi hát nhiều và nhất là chỉ chú tâm vào niềm đam mê ca nhạc nên Phương Dung đã không có được đủ điểm trong những kỳ thi tam cá nguyệt nên chỉ theo học trường Gia Long được đúng một niên khóa. Sau đó chị chuyển qua trường Đức Trí và học tại trường tư thục này đến hết lớp 11 rồi nghỉ học luôn. Song song trong thời kỳ đó, chị cũng đã theo học tại Hội Việt – Mỹ đến hết lớp 6.

Ít ai còn nhớ và cũng không ngờ là thời kỳ hát ở Anh Vũ, Phương Dung lại là giọng ca chuyên trình bày những nhạc phẩm tiền chiến như Thiên Thai, Khối Tình Trương Chi, Trương Chi, Đàn Chim Việt, Suối Mơ, Buồn Tàn Thu, v v…Nguyên nhân là chị đã được hướng dẫn trong thời kỳ đầu bởi nhạc sĩ Lê Trung Quân (cũng đi hát dưới tên Vân Quang), cũng là một sĩ quan Không Quân là một người dạy chị hát theo giọng Bắc để trình bày những ca khúc tiền chiến. Cũng do đó, Phương Dung đã rất thích trước khi chuyển qua loại nhạc thời trang theo thị hiếu của khán thính giả và do các hãng đĩa nhạc yêu cầu, với các sáng tác của Lê Minh Bằng, Thanh Sơn, Châu Kỳ, vv…

Nhưng phải công nhận từ khi chuyển hẳn qua nhạc tình cảm phổ thông có tính cách đại chúng, Phương Dung đã mau chóng thành công và được biết tới nhiều với những ca khúc như : Chuyện Tình Lan Và Điệp, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi, Hoa Nở Về Đêm, Những Đồi Hoa Sim, v v… Với nhạc phẩm Đường Về Khuya của người nhạc sĩ cùng gốc Gò Công là Lê Dinh, Phương Dung lần đầu tiên thu thanh tiếng hát mình trên đĩa nhựa. Kế đó là những nhạc phẩm Vọng Gác Đêm Xuân, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi, vv…rất được khán thính giả ưa thích. Nhưng phải đợi đến năm 1962 khi nhạc phẩm Nỗi Buồn Gác Trọ ra đời thì tên tuổi Phương Dung thật sự đã bước vào một khúc quanh quan trọng, nhất là khi nhạc phẩm này được đưa vào phim "Saigon By Night" của hãng phim Alpha.


Trước sự ăn khách của Phương Dung, hãng đĩa Sóng Nhạc của ông Lê Tất Oanh đã mời chị ký một giao kèo độc quyền vào năm 1964 với một giá rất cao vào thời đó là nửa triệu đồng. Mỗi tháng thu thanh 4 nhạc phẩm, dù không có bài để thu vẫn được trả lương. Với Sóng Nhạc, Phương Dung tiếp tục làm say mê thính giả với tiếng hát cao chót vót của mình trong những ca khúc đã trở thành bất hủ như Huyền Sử Ca Một Người Mang tên Quốc (hát với nhật Trường), Những Đồi Hoa Sim, vv…Riêng Những Đồi Hoa Sim do Dũng Chinh phổ nhạc từ thơ của Hữu Loan đã được dùng làm nhạc phẩm chính cho cuốn phim Tiếng Hát Nửa Khuya ("Songs At Night") do Phòng Thông Tin Hoa Kỳ thực hiện vào năm 1964. Trong phim này Phương Dung đã được mời thủ diễn một vai quan trọng bên cạnh nam tài tử Huy Cường. Ngoài Những Đồi Hoa Sim, còn một vài nhạc phẩm khác do Phương Dung trình bày cũng được đưa vào cuốn phim này như Không Bao Giờ Ngăn Cách, Bóng Đêm, vv..

Cũng trong lãnh vực điện ảnh, Phương Dung từng được mời đóng một vai nhỏ trong phim "Hai Chuyến Xe Hoa". Sau này, trong thời gian cư ngụ tại Uùc, chị cũng từng được mời xuất hiện trong bộ phim "Mission:Impossible"

Đến năm 1965, Phương Dung chuyển qua trình bày nhiều nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh và rất được khán thính giả thích thú.. Cũng trong năm đó, nhạc phẩm Tạ Từ Trong Đêm của Trần Thiện Thanh do Phương Dung trình bày đã đoạt giải Bài Hát Hay Nhất cùng với Huy Chương Vàng dành cho ca sĩ trình bày xuất sắc do Thanh Thương Hội trao tặng. Ngoài ra cũng với Tạ Từ Trong Đêm, Phương Dung còn được tạp chí Sân Khấu của ký giả Nguyễn Ang Ca trao giải Nữ Ca Sĩ Được Cảm Tình Nhất Năm 65. Ngoài những sáng tác của Trần Thiện Thanh, tiếng hát Phương Dung còn được biết đến nhiều với những nhạc phẩm của Thanh Sơn, Hoàng Trang, Hồng Vân, Thu Hồ và đặc biệt những sáng tác của nhóm Lê Minh Bằng.

Từ giữa thập niên 60, Phương Dung đã trở thành một trong những giọng ca được mến mộ nhất với thể loại nhạc thời trang. Từ quê ra tỉnh, "Con Nhạn Trắng Gò Công" với tiếng hát đặc biệt của mình hầu như đã chinh phục tất cả mọi người. Riêng tại Sài Gòn, Phương Dung đã cộng tác liên tiếp trong những năm 95, 96 và 97 mỗi đêm với 7 phòng trà và vũ trường. Đó là Tự Do, Maxim’s, Olympia, Quốc Tế, Bồng Lai, Paramount và Văn Cảnh. Đó là một thành tích hiếm có ca sĩ nào đạt nổi.

Phương Dung cũng nằm trong số những nữ ca sĩ quen thuộc của các chương trình đại nhạc hội. Chị còn thường xuyên xuất hiện trong những chương trình truyền hình hoặc cộng tác với những chương trình phát thanh trên cả hai đài Quân Đội và Sài Gòn.


Việc xây dựng hôn nhân đã đến với Phương Dung vào năm 1967 sau khi gặp người chồng tương lai một cách thật tình cờ tại Bangkok, Thái Lan, một năm trước đó trong một dịp sang đây hát. Vị đại sứ thời đó là em bà luật sư Trương Đình Du và là anh ruột của đạo diễn Võ Doãn Châu đã mời Phương Dung đến thăm tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại đây. Và chính tở đó chị đã gặp anh Võ Doãn Ngọc, hơn chị 13 tuổi, là người đã trở thành người bạn đời của chị sau đó. Anh Ngọc du học tại Pháp từ năm 13, 14 tuổi. Sau đó sang Thụy Sĩ làm việc và tình cờ gặp Phương Dung trong một dịp sang Bangkok nghỉ Tết với gia đình. Sau lần gặp Phương Dung, anh Ngọc tự ý thôi việc để về Việt Nam xin cưới người mà anh đã cảm thấy rung động ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên. Đó cũng là lần thứ nhất anh Ngọc trở lại Việt Nam và lưu lại đây luôn cho đến khi cùng vợ và các con vựợt biên. Sau khi thành hôn, từ năm 1968, Phương Dung quyết định nghỉ hát trong khi tên tuổi vẫn đang trên đà lên cao . Lý do này được chị giải thích là: " tại vì lúc đó thật sự mà nói thứ nhất là Tết Mậu Thân kéo dài thì ông xã cứ nói, thôi mình lập gia đình cbo rồi. Thì nghĩ thôi thì lập gia đình đi vì mình lúc bấy giờ đã 22, 23 tuổi rồi. Với lại thật tình mà nói là lúc đó cũng thấy cái tình cảm ông theo đuổi mình mình cũng cảm động nữa. Vậy cho nên mình lập gia đình trong thời gian đó cho rồi"

Sau khi lập gia đình. Phương Dung cùng chồng theo đuổi ngành kinh doanh. Họ sở hữu một trại gà và một số tầu đánh cá ở Gò Công. Ngoài ra hai người còn điều hành một công ty xuất khẩu tôm đông lạnh nên cuộc sống vật chất rất thoải mái. Hai lần xuất hiện cuối cùng của Phương Dung đã diễn ra trong một chương trình đại nhạc hội tổ chức tại hai rạp Quốc Thanh và Hưng Đạo đã đánh dấu cho quyết định quan trọng của "Con Nhạn Trắng Gò Công". Sau đó, Phương Dung chỉ còn một sự liên hệ về ca hát qua những lần thu thanh cho hãng Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho đến năm 1975. Hai băng nhạc nổi tiếng của Phương Dung trong giai đoạn này là "Sơn Ca 5" và "Sơn Ca 11" dưới nhãn hiệu Continental đã đạt được một số bán rất cao.

Phương Dung cho biết vợ chồng chị không có những sở thích giống nhau. Lý do dễ hiểu là anh Ngọc là một người theo Tây học, chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hoá Tây phương. Trong khi Phương Dung là một người mang nặng tình cảm quê hương với nền văn hoá hoàn toàn Việt Nam. Nhưng theo chị, có thể nhờ vậy họ đã có được một sự bổ sung cần thiết cho nhau… Và cũng nhờ thế, hai người đã sống một cuộc sống hạnh phúc cho đến nay đã được đúng 40 năm. Vợ chồng Phương Dung có với nhau tất cả 8 người con: 6 trai và 2 gái. Hai người con gái của chị tên Hoàng Ly (tên đặt dựa trên một bài thơ Đường của Đỗ Phủ) và Phương Vy. Phương Vy từng có thời kỳ xuất hiện trên vài chương trình Paris By Night với những nhạc phẩm ngoại quốc trẻ trung. Trong khi đó cô chị Hoàng Ly lại đi theo con đường nhạc thời trang của mẹ. Cả hai hiện đang có ý định quay trở lại với những sinh hoạt ca nhạc sau khi mới hoàn tất một CD.

Hai năm sau khi xẩy ra biến cố tháng 4 năm 75, hai vợ chồng Phương Dung và các con vượt biên bằng tầu của gia đình vào năm 1977. Họ tới được Mã Lai và được phái đoàn Mỹ nhận cho định cư ngay, nhưng vợ chồng chị từ chối để xin đi Uùc. Bây giờ nghĩ lại Phương Dung nhận biết đó là một quyết định sai lầm đối với một người muốn theo con đường ca hát , theo lời chị kể:" phái đoàn Mỹ nói, cô là ca sĩ mà. Ở bên Mỹ người ta gủi thư về đây nói rằng có một cô ca sĩ ở đây vì vậy chúng tôi cho cô đi Mỹ. Nhưng tại lúc đó mình nghe nói bên Uùc người tỵ nạn được ưu đãi lắm, hơn nữa nước này có đất đai rộng rãi nên vợ chồng tôi quyết định xin định cư ở Úc. Nhưng bây giờ hối hân lắm. Thật ra cái nghề của mình là phải ở Mỹ vì có nhiềun cơ hội lắm. Nhưng dù sao thì cũng có một bàn tay vô hình sắp đặt cho mình Thành ra khi mà mình đã đi đâu cứ đi theo đi mình đừng đi ngược lại cái định mệnh đã an bài cho mình. Đi ngược lại mình gian nan, mình khổ lắm!" Từ đó Phương Dung càng tin ở số mệnh hơn để có được kinh nghiệm là số mệnh mình đã có từ lúc mình sanh ra cho tới khi trưởng thành. Được an bài, sắp xếp như thế nào thì cứ nên theo như vậy.

Gia đình Phương Dung tới Úc năm 77 và cư ngụ ở Melbourne. Chỉ 8 tháng sau khi tới đây, hai vợ chồng chị đã đứng ra khai thác 2 nhà hàng có trình diễn ca nhạc là Cửu Long và Tự Do. Sau khi không còn khai thác nhà hàng vào năm 1983, Phương Dung nhận được lời kời sang Mỹ của nhạc sĩ Anh Bằng để thu cuốn băng đầu tiên tại hải ngoại mang tựa đề Kỷ Niệm Còn Đây, gồm 10 ca khúc tiêu biểu của Phương Dung Năm 84, chị trở lại làm tổng đại lý những phim bộ Hồng Kông chuyển âm tiếng Việt . Nhưng chỉ được một thời gian vì quá vất vả và nhất là tiền bản quyền càng ngày càng cao, nên chị chuyển qua làm với một người con trong ngành may mặc. Đến năm 89, 90 chị hoàn tất thủ tục xin định cư tại Mỹ. Hai người con gái của chị đã đã có quốc tịch Mỹ trước đó. Riêng những người con trai của chị vẫn sống tại Úc.

Từ khi sang Mỹ đến nay, Phương Dung hầu như chỉ cộng tác với trung tâm Asia với những ca khúc quen thuộc của thể loại nhạc thời trang ngày nào… Một thời lẫy lừng tên tuổi của "Con Nhạn Trắng Gò Công" đã qua đi. Đối với Phương Dung đó cũng là sự sắp đặt của định mệnh nên chị chẳng hề có một điều gì tiếc nuối. Có chăng là những kỷ niệm đẹp về cuộc đời đi hát của mình. Từ hơn 12 năm nay chị chỉ chú tâm vào những công tác từ thiện, một mặt chú tâm vào việc tu học để tìm được sự thanh thản trong tâm hồn. Các con Phương Dung cũng rất khuyến khích mẹ trong những việc làm từ thiện đúng với chủ trươnng của chị là luôn cần phải phát tâm Bồ Đề, đi theo con đường của Đức Quan Thế Aâm để nghe ngoíng tiếng kêu than của loài người đau khổ. Cũng như chị tuy là một người theo Phật Giáo, nhưng cũng coi những việc làm của mình như những việc tông đồ bên Công Giáo theo lời khuyên của Chúa là làm vui người cũng như làm vui mình. Nhờ vậy chị thấy cuộc đời có nhiều ý nghĩa hơn, nhất là được chồng và các con ủng hộ. Phương Dung từng đóng góp cho Dòng Đa Minh vào việc mổ mắt cho những giáo dân ở Long Khánh, giúp đỡ Dòng Mến thánh Giá ở Phan Rang cũng như tặng nhiều phần quà cho những người thuộc dân tộc thiểu số ở đây, vv…thêm vào đó là góp một bàn tay vào việc xây hồ, đào giếng cho đồng bào ở một số vùng xa xôi.

Tuy song thân Phương Dung sống theo lối cổ, mang nhiều ảnh hưởng của Nho học và thích thơ phú. Nhưng cả hai đều có đầu óc rất cởi mở.. Có thể vì vậy Phương Dung ít ra cũng mang chút ảnh hưởng về nghệ thuật, về sự phóng khoáng trong tâm hồn khi tỏ ra rất thích đọc sách về thơ văn để hết lòng ngưỡng mộ nhà văn Nguyễn Tuân và say mê những tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Ngoài ra chị cũng rất thích những sáng tác thuộc loại văn chương "miệt vườn" của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam hay Nguyễn Văn Ba, vv…Trong lần tâm sự với người viết, Phương Dung cho biết nếu được đi lại từ đầu, chị vẫn thích theo đuổi con đường nghệ thuật. Nếu không thành ca sĩ cũng sẽ thành một nhạc sĩ hoặc một nhà văn hay một nhà đạo diễn điện ảnh. Lý do dễ hiểu là chị là một con người mang một tâm hồn rất nhậy cảm nên dễ xúc động, chẳng hạn như trước những vần thơ hay mà chị thuộc nằm lòng. Phương Dung đã tỏ ra say sưa khi đề cập đến vấn đề này: "là một người tình cảm thì phải nhiều chứ. Như vậy, mới hát đuợc, mới sống được với trái tim của người khác. Như vậy mới có thể rung động trước những câu thơ như."Ta đem trái đất ngâm thành rượu, ta lấy càn khôn biến thành môi…"

2 Bình Luận:

dinh chien nói...

Xin được đính chính lại: Phim mà Phương Dung, Huy Cường, Văn Phụng, Y Vân...có mặt trong phim gọi đúng là "Tiếng hát đêm khuya" chứ không phải "Tiếng hát nửa khuya" như bài báo viết. Vì tôi lúc đó đã lớn và có xem vài lần phim này (phim lồng nhạc do PD ca rất hay)!

Unknown nói...

bạn đang tìm loi dich bai hathay thì hãy truy cập web loidichbaihat360.com nhé

Đăng nhận xét