Ban Nhạc AVT


 AVT là tên của một ban tam ca trào phúng đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam với tính chất châm biếm và hài hước, nhiều khi xen lẫn với một sự mỉa mai của nó.
Nhắc đến AVT, chắc chắn phải nhắc đến người được coi là linh hồn của ban tam ca này là nhạc sĩ lão thành Lữ Liên mặc dù ông không phải là người thành lập ra ban tam ca này

Năm 1958, trong danh sách công tác của Tiểu Đoàn 1 Chiến Tranh Chính Trị có một ban tam ca do 3 anh tân binh mới nhập ngũ tên Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng chuyên trình bầy những bản nhạc vui nhộn. Họ lấy 3 chữ đầu của tên mình để ghép lại thành AVT để đặt tên ban. Người đứng ra thành lập ban AVT chính là nhạc sĩ Anh Linh mà không phải là nhạc sĩ Lữ Liên như không ít người lầm tưởng..

Anh Linh là một người có căn bản nhạc lý vững vàng nên từng có thời gian được cử thay thế giáo sư âm nhạc Phạm Nghệ làm trưởng ban Ca của Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương, tức Biệt Đòan Văn Nghệ Trung Ương sau đó. Ông đã sáng tác được khoảng 20 bài, trong đó có một số bài phổ ttừ thơ của thi sĩ Hà Thượng Nhân và Nhất Tuấn (tác giả thi tập nổi tiếng trong thập niên 60 “Chuyện Chúng Minh”).

Một trong những ca khúc đắc ý nhất của ông là “Niềm Tin”, thường được nhiều ca sĩ trình bầy trong dịp Giáng Sinh. Ca khúc đầu tay của Anh Linh là bài “Sao Em Không Đi”, viết trước khi nhạc sĩ Anh Bằng, cùng trong Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương của Tiểu Đoàn 1 Chiến Tranh Tâm Lý, tung ra nhạc phẩm “Nếu Vắng Anh”. Nhưng vì nhạc của Anh Linh có phần ủy mị nên không được bộ thông tin chấp thuận ngay.

Trái lại, “Nếu Vắng Anh” thì trót lọt kiểm duyệt vì lời ca, điệu nhạc rất tình cảm nhưng không mềm yếu. Nhạc phẩm này đã trở thành Top Hit sau đó. Bù lại, Anh Linh được an ủi là có một số bài như Chiến Thắng Rừng Sát, Thiên Thần Mũ Đỏ, Chiến Thắng Kon Tum đã được rất nhiều anh em binh sĩ tán thưởng.

Việc hình thành tên ban tam ca AVT đã được nhạc sĩ Anh Linh kể lại với những chi tiết lý thú đến từ một sự tình cờ. Khởi thủy, ban tam ca sau này được gọi là AVT gồm có 3 người là Anh Linh, Tuấn Đăng và Vân Sơn thường được giới thiệu mỗi khi xuất hiện trên sân khấu là Tam Ca Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng. 3 người đều hát thường trực ở phòng trà Anh Vũ với những tiết mục vui nhộn của họ.

Một hôm, ban giám đốc thuê người kẻ một tấm biểu ngữ rất lớn để giăng ngang đường Trần Hưng Đạo, gần phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện nhằm giới thiệu bộ 3 này mà họ muốn gọi là ban Kích Động Nhạc Anh Vũ. Đúng vào lúc những người kẻ chữ vừa viết xong hai chữ A và V mầu đỏ và chữ NH mầu xanh thì Anh Linh tình cờ đi tới.
Anh hỏi thì được biết họ viết chữ ANH VŨ. Anh Linh nói ngay là ban tam ca của anh không phải tên là Anh Vũ như ban giám đốc đã thuê họ viết. Nhưng thấy mấy người thợ đã lỡ viết như vậy nên chợt nhớ ra ban kích động nhạc của mình đã có sẵn tên Anh Linh, Vân Sơn nên bảo viết thêm chữ T ( chữ đầu của tên Tuấn Đăng ) và bỏ 2 chữ NH kia đi. Vì thế nên có tên AVT.

Trong thời gian AVT hát nhạc ngọai quốc ở phòng trà Anh Vũ, họ luôn được khán giả yếu cầu hát nhiều lần nên chủ phòng trà thêm cho AVT một danh hiệu nữa là ban AVT Đăng-Linh-Sơn khi được giới thiệu. Nhưng MC lại cố ý đọc là “AVT Darlingson” cho khán giả ngọai quốc dễ hiểu!
Tiền thù lao cho AVT sau đó đã phá kỷ lục khi họ được trả đến 1000 đồng một người, trong khi “cát sê” trả cho quái kiệt Trần Văn Trạch chỉ có 700! Vì AVT có lần được khán giả yêu cầu “bis” đến 7 lần. Ba người vừa vào hậu trường thay áo đi về thì lại phải mặc vào để ra trình diễn thêm trong khi khán giả giả tiếp tục hò hét vang rền! Đó thật là một kỷ niệm nhớ đời cho Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng.

Giọng ca của 3 thành viên AVT này rất đều. Họ có thể lên cao tới “nốt” Sol cao và xuống đến Sol thấp. Theo nhận xét của nhạc sĩ Lữ Liên thì giọng của Vân Sơn trội hơn cả so với 2 người khác trong ban. Hình ảnh đặc biệt của AVT là lúc trình diễn họ đều mặc quốc phục với khăn đóng, áo dài và tự đàn lấy để hát.
Trước khi chuyển qua sử dụng những nhạc khí dân tộc thì Anh Linh chơi guitar, Vân Sơn chơi trống và Tuấn Đăng sử dụng contre-bass. Những tiết mục linh động và tươi vui của AVT thật sự đã mang lại cho sinh hoạt phòng trà thời đó thêm rất nhiều sống động.

Qua đầu thập niên 60, vào lúc AVT cần những sáng tác mới để trình bầy, nhạc sĩ Lữ Liên có ý định thử nghiệm khi muốn hướng phần trình diễn của AVT về một thể loại mới lạ. Ông đã trích một đọan trong bản Thất Nghiệp Ca của ông (sáng tác cho Đòan Văn Nghệ Vịet Nam) đặt tên là Tam Nghiệp, mô tả 3 chàng Thợ Nhuộm, Thợ Sửa Khóa và Thầy Bói để AVT thực nghiệm vào dịp Tất Niên trong một chương trình văn nghệ do quân đội tổ chức tại rạp Tống Nhất. Chương trình này có mục đích ủy lạo các chiến sĩ xuất sắc khắp 4 vùng chiến thuật trở về tham dự, dưới sự chủ tọa của tổng thống Ngô Đình Diệm cùng nhiều tướng lãnh cao cấp khác.
Nhưng sắp đến ngày ra mắt thì thình lình có giấy gọi Anh Linh theo học khóa sĩ quan vào năm 1962. Lập tức Hoàng Hải được đưa vào tập dượt để thay thế. Sau này khi Lữ Liên gia nhập AVT, nhạc phẩm Tam Nghiệp có được sửa đổi đôi chút với những nghề Thợ Sửa Xe Máy (do Lữ Liên diễn tả), nghề Tẩm Quất với Vân Sơn và Tuấn Đăng với nghề thợ mộc.

Với bài Tam Nghiệp gốc, một sáng tác của Lữ Liên, trích từ tác phẩm Thất Nghiệp Ca của ông, lần đầu tiên khán giả được thưởng thức một nhạc phẩm trào phúng với những âm điệu cổ truyền cùng những lời ca dí dỏm và nghệ thuật trình diễn sống động. Tất cả những khán giả hôm đó, phần lớn là anh em binh sĩ, được dịp cười hả hê. Nhất là lúc Vân Sơn hứng lên múa trống, tung dùi và Tuấn Đăng nhảy lên cây “Contre-basse” để solo theo nhịp kích động khiến khán giả cổ võ muốn sập rạp.
Và kể từ đó AVT bắt đầu bước vào một khúc quanh quan trọng với phần trình bầy những nhạc phẩm trào phúng, sát với đời sống thường ngày trong xã hội. Với sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả. Sau thời gian này, Lữ Liên lại đặt cho AVT một số bài mới như Ông Nội Trợ, Trắng Đen, Dậy Thì, vv… Tất cả những nhạc phẩm này đã khiến tên tuổi AVT càng này càng lên cao

Ngoài những sáng tác của nhạc sĩ Lữ Liên, nhạc sĩ Anh Bằng cũng sáng tác cho ban tam ca này một nhạc phẩm nổi tiếng khác có tựa đề là Huynh Đệ Chi Binh, thêm vào đó là một sáng tác của Duy Nhượng là bài Ai Lên Xe Bus…

Từ đó, ban AVT đã trở thành một tam ca nhạc đắt giá tại các phòng trà ca nhạc và vũ trường cũng như các Đại Nhạc Hôi cùng các đài Phát thanh và Truyền Hình. Nói cho đúng, AVT đã trở thành một hiện tượng trong sinh họat ca nhạc tại Việt Nam với một khuynh hướng thể hiện chưa từng có trước đó. Như vậy có thể khẳng định là AVT đã giữ vai trò độc tôn bằng hình thức tam ca trào phúng. Một thời gian sau, một vài kết hợp dưới hình thức tương tự cũng được ra đời, nhưng không có khả năng thu hút người nghe như AVT, nên đã không tồn tại được bao lâu.

Sau những bài hát trào phúng được nhắc tới ở trên là đến một lọat những bài khác được nhạc sĩ Lữ Liên sáng tác cho ban AVT trình bầy như Ba Bà Mẹ Chồng, Cờ Người, Em Tập Vespa, vv… Đó là những nhạc phẩm đã lót đường cho ban AVT thăng tiến rất nhanh. Ngoài những lời lẽ châm biếm trong những bài hát trước đó, người nghe còn cảm thấy rất thích tú với những bài hát được Lữ Liên sáng tác với hình thức lời thanh mà ý tục, tương tự những thi phẩm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trong đó có tác phẩm Cờ Người đã được phổ nhạc hoàn toàn mang chất AVT độc đáo…

Trong khoảng thời gian từ 60 đến 64, AVT đã được 2 hãng đĩa Sóng Nhạc và Việt Nam mời thu đến 20 đĩa nhạc và băng nhạc. Và AVT còn nhận lời trình diễn cho các phòng trà ca nhạc và vũ trường lớn ở Sài Gòn như Queen Bee, Quốc Tế, Bồng Lai, vv…

Vào năm 1965, nhạc sĩ Hoàng Hải được lệnh giải ngũ. Hoàng Hải với tên thật là Lưu Duyên, là anh của cố chuẩn tướng Lưu Kim Cương, sau đó sang làm cho đài VOF tức Tiếng Nói tự Do. Nhạc sĩ Lữ Liên được mời vào thay thế và trở thành trưởng ban AVT từ đó. Cùng một lúc ông còn là trưởng ban kịch của Biệt Đòan Văn Nghệ Trung Ương. Với các nghệ sĩ : Hoàng Năm, Đỗ Lệnh Trường, Xuân Phúc, Bích Huyền, Cẩm Thúy, Thúy Liệu, Lệ Sửu, v.v…

Sau khi nhận lời trở thành một thành viên của AVT, lúc đó măc dù trong ban không còn ai mang tên có chữ có A ở đầu, nhưng Lữ Liên vẫn giữ nguyên cái tên AVT. Vì ông cho rằng tên đó đã đi sâu vào tâm hồn quần chúng. Nhưng ông đã đưa ra một vài đề nghị với một số thay đổi. Thứ nhất, với vai trò trưởng ban ông đổi danh xưng chính thức cho AVT là “Ban Tam Ca Trào Phúng AVT”, thay vì Ban Kích Động Nhạc AVT.

Ngoài ra, còn có thêm một sự thay đổi quan trọng khác là loại bỏ 3 nhạc khí Tây Phương để chỉ sử dụng những nhạc khí cổ truyền Việt Nam. Từ đó Vân Sơn chơi Tỳ Bà, Tuấn Đăng chơi đàn đoản và Lữ Liên sử dụng đàn nhị tức đàn cò.

Tới khoảng thời gian 1966-67, chính phủ Việt Nam theo đuổi chương trình trao đổi văn hóa với các nước Á Châu, AVT với thành phần trên đã theo Đoàn Văn Nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ di trình diễn tại rất nhiều quốc gia như Lào, Cao Miên, Phi Luật Tân, Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai, Nhật Bản, vv…

Sang đến năm 1968 thì “Ban Tam Ca Trào Phúng AVT” đi vào một thời kỳ có thể gọi là cực thịnh với những chuyến lưu diễn tại rất nhiều quốc gia Âu Châu.
Theo lời yêu cầu của các đồng bào Việt Nam tại Pháp, chính phủ Việt Nam đã gửi một phái đoàn văn nghệ hùng hậu gồm đầy đủ các bộ môn thi, ca, vũ, nhạc, kịch, vv… dưới sự dìu dắt của nhạc sĩ Hoàng thi Thơ cùng các vũ sư Lưu Hồng và Trịnh Toàn sang Âu Châu trình diễn lần thứ nhất.

Lần ra mắt ở rạp Maubert Mutualité Paris, Lữ Liên đã sáng tác một số bài dành riêng cho AVT như Chúc Xuân, Vòng Quanh Chợ Tết, Tiên Sài Gòn, Gái Trai Thời Đại, Lịch Sử Mái Tóc Huyền, Mảnh Bằng, 3 Ông Bố Vợ, vv… để trình diễn trước một số khán giả kỷ lục. Còn một số đông khán giả phải đứng ở ngoài vì hết chỗ.

Trong lần ra mắt đáng ghi nhớ đó, AVT mặc sức vẫy vùng. Mỗi câu hát là một chuỗi cười và tiếng vỗ tay vang dội. Giữa mỗi bài hát đều có phần solo nhạc. Tiếng nhạc khí Việt Nam thánh thót, véo von như chim hót khiến khán giả im lặng cơ hồ như nín thở để thưởng thức. Đến phần kết thúc mỗi bài hát thì tiếng vỗ tay vang lên như sấm động. Nhất là trong tiết mục AVT trình tấu cũng bằng Tỳ Bà, Nhị Huyền và Đàn Đỏan hai nhạc khúc bất tử của Johan Strauss là Le Beau Danube Bleu và Les Flots Du Danube. Khán gỉa đã vỗ tay không ngừng khi chấm dứt. AVT phải dắt tay nhau ra cám ơn khán giả 3 lần! Vãn hát, khán giả đã tràn lên sân khấu vây quanh các nhạc sĩ để khen ngợi. Nhất là các khán giả người địa phương muốn xem tận mắt từng cây đàn của AVT đã sử dụng.

Lần trình diễn đó của AVT đã gây chấn động cả Paris. Đi đến đâu người ta cũng nhắc tới AVT. Đó có thể coi như thời kỳ huy hoàng nhất của ban ta ca trào phúng này. Sau đêm trình diễn ở rạp Maubert và sau khi nghỉ một ngày, bộ ba Lữ Liên, Vân Sơn và Tuấn Đăng sang diễn một xuất ở Thụy Sĩ và một xuất ở Luân Đôn. Sau đó họ lại về Pháp để trình diễn một xuất ở dưới miền nam.

Rồi sau đó, phái đoàn lại tiếp tục đi trình diễn tại Maroc, Algérie, Tunisie, vv… Nơi nào họ cũng gặt hái được những thành công rực rỡ trước khi trở về Việt Nam. Đó là chưa kể AVT còn có dịp sang trình diễn tận nước Cộng Hòa Trung Phi trong thời kỳ lãnh đạo của tổng thống Bokassa.

Qua năm 1969, lại một lần nữa thể theo lời mời của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Pháp, chính phủ Việt Nam lại cử một đoàn văn nghệ gồm AVT với Lữ Liên, Vân Sơn, Tuấn Đăng cùng 2 nữ ca sĩ Hoàng Oanh và Hà Thanh, vợ chồng nhạc sĩ cổ nhạc Vĩnh Phan, nhạc sĩ Huỳnh Anh và cây sáo Nguyễn Đình Nghĩa sang quốc gia này. Một chương trình dài 2 tiếng gồm đủ mọi tiết mục được dàn dựng để trình diễn ở tất cả những địa điểm mà anh chị em sinh viên ở Parius tổ chức trong những ngày cuối năm. Chuyến lưu diễn này kéo dài 1 tháng với một thành công rực rỡ.

Ngoài những lần trình diễn chung với 2 nhạc sĩ khác trong AVT, hình ảnh nhạc sĩ Lữ Liên còn ghi đậm nét trong trí nhớ mọi người khi ông cùng nhạc sĩ Hoàng Thi Thao đồng diễn tiết mục “Cò Tây-Cò Ta”, được coi là một tiết mục rất ăn khách vào thời đó, cũng như sau này tại hải ngọai. “Cò Tây-Cò Ta” cũng đã được thu hình trong một chương trình Paris By Night cách đây vài năm, gây được nbhiều thích thú cho khán thính giả.

Sau năm 1975 Lữ Liên may mắn được tầu Mỹ cứu thoát sang định cư tại Mỹ. Vân Sơn và Tuấn Đăng bị kẹt lại. Vân Sơn đã tự vẫn trên giòng sông Thị Nghè. Còn Tuấn Đăng vì nặng nợ gia đình nên vẫn còn sống ở Sài Gòn

Tại hải ngoại, ban AVT Hải Ngoại với Lữ Liên, Vũ Huyến, Ngọc Bích (năm 1977, Trương Duy thay thế Ngọc Bích) tiếp tục truyền thống trào phúng, vui nhộn của AVT chính tông và bắt đầu cùng các anh chị em nghệ sĩ trình diễn khắp nơi từ năm 1976 cho đến năm 1987...

Nguồn :
webvkal.com , aitubinhdien.aimoo.com ,chutluulai.net/forums , sonomavietnamese.com , lungtung.com , nhaccuatui.com , forums.thuyngaonline.com , vietstamp.net

1 Bình Luận:

GiaiMaBiAn nói...

Hợp âm bài hát một nhà nhóm Da-Lab thế hiện Hợp âm bài hát em cứ đi đi Hariwon nổi như cồnHợp âm bài hát để em rồi xa Hợp âm bài hát ngày xưa em đến Anh khang Hợp âm bài hát em ơi hà nội phố của Phú Quang

Đăng nhận xét